Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên: Định hướng chiến lược và tầm nhìn dài hạn

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên: Định hướng chiến lược và tầm nhìn dài hạn

Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc. Đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm chuyển đổi số… Đó là những mục tiêu căn bản được đề cập trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là thông tin rất được quan tâm, từ đông đảo người dân, các nhà quản lý, lãnh đạo đến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Có thể nói, Quy hoạch tỉnh đã phác thảo ra “bức tranh” phát triển của Thái Nguyên hàng chục năm tới.

 

 

 

 

Quy hoạch tỉnh được xây dựng trên cơ sở phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết, kế hoạch của Chính phủ; các quy hoạch quốc gia.

Dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP. Thái Nguyên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chỉnh trang và tái thiết khu vực lõi thành phố (ảnh phối cảnh Dự án).

Quan điểm quy hoạch là chủ động, kiến tạo và tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ trong tư duy; phát triển nhanh và bền vững, toàn diện trên mọi lĩnh vực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh liên kết vùng; đẩy mạnh chuyển đổi số…

Phát triển xã hội thân thiện, văn minh và hài hòa; kết hợp phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển.

Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc sau khi hoàn thành sẽ tạo nên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông của vùng, quốc gia (ảnh phối cảnh Dự án).

Riêng về kết cấu hạ tầng, Quy hoạch xác định: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bước đột phá; trong đó tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông của vùng, quốc gia. Hệ thống cấp điện, cấp nước, thủy lợi an toàn, hiện đại, đồng bộ. Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu dân cư đảm bảo đồng bộ. Xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn. Phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Hệ thống hạ tầng xã hội được quy hoạch và xây dựng đảm bảo chức năng là trung tâm y tế, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của vùng.

Một góc trung tâm TP. Thái Nguyên.

Tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

 

 

 

 

Phấn đấu đến 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao tại các công đoạn, có giá trị cao trong chuỗi giá trị gia tăng.

Phát triển các cụm ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất kim loại; ưu tiên phát triển các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. Gắn phát triển công nghiệp với đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ hỗ trợ chất lượng cao; logistics, tài chính, ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin và truyền thông.

Phát triển ngành Xây dựng theo hướng hiện đại, đủ điều kiện, năng lực về trình độ chuyên môn, tài chính và nhân lực, đáp ứng nhu cầu xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại.

 

 

 

 

Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, gắn với du lịch sinh thái cảnh quan. Tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (chè, cây ăn quả, thịt lợn, gà, gỗ, quế…), sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao.

Nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn theo hướng tăng cường liên kết chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Nâng cao hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, giàu bản sắc văn hóa.

 

 

 

 

Phát triển nhanh và bền vững các loại hình thương mại trên địa bàn, xây dựng tỉnh Thái Nguyên thành trung tâm thương mại cấp vùng, trung tâm giao dịch và kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội. Củng cố, phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại; kết hợp hài hòa giữa phát triển các loại hình thương mại truyền thống gắn với phát triển thương mại điện tử. Thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…

Tỉnh sẽ tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại.

 

 

 

 

 

Phát triển du lịch Thái Nguyên dựa trên các thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với lịch sử, văn hóa, tâm linh. Tập trung vào Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, khu vực sườn Đông Tam Đảo, văn hóa trà, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Khu di tích Lý Nam Đế.

Du khách chèo thuyền trên hồ Núi Cốc.

Nghiên cứu và đầu tư xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Chuyển đổi mô hình hoạt động du lịch và các loại hình dịch vụ để đảm bảo khả năng thích ứng với thị trường mới, bối cảnh mới.

Ngoài ra, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác như: Giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; y tế, chăm sóc sức khỏe; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thông tin, truyền thông… cũng được nêu cụ thể, rõ ràng trong Quy hoạch tỉnh, đảm bảo sự phát triển toàn diện, hài hòa.

 

 

 

 

Hành lang theo trục giao thông Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội.

Hành lang Quốc lộ 37 và Quốc lộ 17, kết nối các thị trấn, đô thị mới, thu hút đầu tư ngành khai khoáng, công nghiệp chế biến.

Hành lang Quốc lộ 3, Quốc lộ 3C, gắn kết chuỗi đô thị Đu - Giang Tiên - Chợ Chu, là hành lang “xương sống” của khu vực Tây Bắc tỉnh.

Hành lang Quốc lộ 1B kết nối chuỗi đô thị Hóa Thượng - Quang Sơn - La Hiên - Đình Cả, là hành lang “xương sống” của khu vực Đông Bắc tỉnh.

Các tuyến giao thông kết nối, thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế.

 

 

 

 

Vùng phía Nam có 3 khu vực: Cụm TP. Thái Nguyên - Sông Công - Phổ Yên là khu vực đô thị hóa tập trung, là hạt nhân, động lực phát triển của tỉnh. Huyện Phú Bình định hướng trở thành thị xã, là đô thị công nghiệp công nghệ cao, đổi mới và sáng tạo. Huyện Đại Từ định hướng trở thành thị xã, là đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch.

Khu vực trung tâm huyện Đại Từ.

Vùng phía Bắc được phân thành 2 khu vực Đông Bắc và Tây Bắc gồm 4 huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa và Phú Lương, là vùng bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa; phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản và du lịch.

 

 

 

 

 

Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị gắn với các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu du lịch, khu nghiên cứu, đào tạo, khu thể dục thể thao. Quy hoạch nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích, chất lượng, mỹ quan.

Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên gắn với công tác xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của mỗi vùng. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn; triển khai các mô hình, giải pháp xây dựng xã thông minh để tăng cường liên kết…

 

 

 

Bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng; phát triển hệ thống giao thông thông minh, hình thành các bãi đỗ xe thông minh ở những đô thị trọng điểm.

Đồng thời với phát triển hệ thống đường bộ, Quy hoạch tỉnh nêu: Giai đoạn 2021-2030, nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên từ ga Đông Anh đến ga Quán Triều, tuyến Kép (Bắc Giang) - Lưu Xá; Giai đoạn đến năm 2050, xây dựng mới tuyến đường sắt Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái, chiều dài dự kiến 73km.

Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng số, mạng kết nối vạn vật (IoT) liên thông sẽ tiếp tục được đầu tư hiện đại.

Về mạng lưới viễn thông: Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, mạng kết nối vạn vật (IoT) liên thông, đồng bộ, hiện đại nhằm phục vụ chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; tạo sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông…

 

 

 

 

 

Nhằm hiện thực hóa những định hướng, mục tiêu phát triển, Quy hoạch tỉnh nêu các nhóm giải pháp chủ yếu về: Huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi số; phát triển nguồn lực đất đai; khoa học và công nghệ; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị, nông thôn; đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Trần Quyền - Quốc Tuân

Baothainguyen.vn

Youtube CÔNG TY CỔ PHẦN NACICO Facebook CÔNG TY CỔ PHẦN NACICO Zalo CÔNG TY CỔ PHẦN NACICO Messenger CÔNG TY CỔ PHẦN NACICO 0989811881